Đây là bài viết nằm trong chuỗi bài nhận định thị trường hàng hóa phái sinh định kỳ hàng tuần của blog.
Nội dung bài viết bao gồm tổng quan lại các sự kiện chính của thị trường trong tuần qua.
Và phần sau là các phân tích, nhận định, một số cơ hội có thể giao dịch trong tuần tới.
Nội dung bài viết
Tổng quan thị trường hàng hóa phái sinh tuần qua 02-06/08/2021

Tin tức Vĩ mô
- Bộ Lao động Mỹ công bố số lượng việc làm trong lĩnh vực phi nông nghiệp tại Mỹ tăng 943.000 trong tháng 7, cao hơn con số 938.000 của tháng 06, đánh dấu mức tăng mạnh nhất tính từ tháng 08/2020.
- Tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ tháng 07 giảm xuống 5.4% từ mức 5.9% ở tháng 6. Số lượng người làm việc hoặc tìm việc tại Mỹ và mức lương theo giờ đồng loạt tăng.
- Các con số tích cực này có thể giúp Cục Dự trữ liên bang Mỹ thêm lý do để nâng lãi suất cơ bản và thu hẹp chương trình mua tài sản sớm hơn kỳ vọng, như những phát biểu “diều hâu” gần đây của các quan chức FED.
- Thị trường chứng khoán không ngừng giao dịch ở mức cao kỷ lục, bất chấp nhiều lo lắng về mức độ lây lan mạnh của biến chủng Delta tại nhiều nước.
- Trung Quốc báo cáo chỉ số PMI sản xuất của Caixin tháng 7 đã giảm xuống mức thấp nhất trong 15 tháng là 50,3 từ mức 51,3. Cho thấy nước này đang phục hồi chậm lại sau đại dịch
Tin tức Nông sản
Báo cáo tiến độ và Chất lượng mùa vụ của Mỹ trong tuần kết thúc ngày 01/08
Các số liệu báo cáo ước tính của USDA trong tuần:
- Ước tính sản lượng xuất khẩu Ngô Safrinha của Brazil giảm còn 20 triệu tấn thay vì 28 triệu tấn như ước tính trước đó.
- USDA tại Indonesia ước tính sản lượng dầu cọ nước này trong niên vụ 2021/22 là 45,5 triệu tấn, cao hơn so với 43 triệu của năm 2020/21. Xuất khẩu vụ mới là 30,5 triệu tấn, cao hơn so với 28 triệu tấn ở vụ cũ.
- USDA cho biết lượng lúa mì dùng làm bột trong quý 2 năm 2021 là 223,289 triệu giạ, giảm 1% so với quý 1 nhưng cao hơn 2% so với quý 2 năm 2020.
Theo Báo cáo mới nhất của Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO), ngày 05/08:
- Giá lương thực thế giới đã giảm tháng thứ hai liên tiếp trong tháng 7/2021, phản ánh sự sụt giảm của giá ngũ cốc, dầu thực vật và các sản phẩm từ sữa.
- Chỉ số giá lương thực của FAO đạt trung bình 123,0 điểm vào tháng Bảy, thấp hơn so với 124,6 điểm trong tháng Sáu. Dù vậy, giá lương thực toàn cầu vẫn tăng 31% so với cùng kỳ năm 2020.
- Trước đó, Chỉ số của FAO tháng Sáu đã giảm lần đầu tiên trong vòng một năm, đánh dấu sự tạm dừng của đợt tăng giá cho các mặt hàng nông nghiệp vốn được thúc đẩy bởi những mùa thu hoạch không như kỳ vọng và nhu cầu lớn từ Trung Quốc.
- Chỉ số giá ngũ cốc của FAO vào tháng Bảy đã giảm 3% so với tháng trước, chủ yếu do mức giảm 6% của giá ngô. FAO cho biết giá ngô đang chịu áp lực đi xuống bởi triển vọng sản xuất cải thiện của Argentina và Mỹ. Ngoài ra, việc Trung Quốc hủy các đơn hàng nhập khẩu cho loại ngũ cốc này cũng lấn át những nỗi lo về̀ vụ mùa tại Brazil.
- Giá gạo quốc tế cũng giảm trong tháng 07 xuống mức thấp của hai năm, khi các nguồn cung mới cùng những biến động tiền tệ khiến tốc độ bán hàng chậm đi.
- Tuy nhiên, giá lúa mì tăng 1,8% lên mức cao nhất kể từ giữa năm 2014, được thúc đẩy bởi những lo lắng về tình trạng khô hạn ở Bắc Mỹ, mưa lớn ở châu Âu và năng suất ban đầu thấp hơn dự kiến ở Nga.
- Giá dầu thực vật trong tháng Bảy giảm 1,4% so với tháng Sáu xuống mức thấp của 5 tháng. Điều này là do sự phục hồi của giá dầu cọ không thể bù đắp cho sự xuống giá của các loại dầu khác.
Tin tức Năng lượng
- Dầu thô kỳ hạn tháng 09 có tuần giảm mạnh nhất kể từ tháng 05/2020 trở lại đây do lo ngại rằng việc hạn chế đi lại của các quốc gia tiêu thụ như Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản, khu vực châu Âu để giảm thiểu sự lây lan của biến thể Delta, đã gây áp lực phục hồi nhu cầu năng lượng trên toàn cầu.
- Giá dầu thô cũng chịu áp lực giảm giá do đồng Dollar mạnh lên sau khi tăng trưởng việc làm hàng tháng trong tháng 07 của Mỹ cao hơn dự kiến.
- Công ty Baker Hughes cho biết các giàn khoan dầu của Mỹ đã tăng thêm 2 giàn, lên 387 giàn trong tuần này.
- Nhập khẩu dầu thô của Trung Quốc hồi phục trong tháng 7 từ mức thấp nhất trong sáu tháng khi các nhà máy lọc dầu được Nhà nước hậu thuẫn của nước này gia tăng sản lượng sau khi bảo trì trở lại.
- Theo dữ liệu từ Tổng cục Hải quan Trung Quốc, nước này đã nhập khẩu 41,24 triệu tấn dầu thô trong tháng 07, tương đương 9,71 triệu thùng / ngày.
- Trong 7 tháng đầu năm, Trung Quốc, nhà nhập khẩu dầu thô hàng đầu thế giới, đã nhập tổng cộng 301,83 triệu tấn, tương đương 10,39 triệu thùng / ngày, giảm 5,6% so với cùng kỳ năm trước.
- Dữ liệu hải quan vừa rồi cũng cho thấy Trung Quốc đã xuất khẩu 4,64 triệu tấn các sản phẩm dầu tinh luyện trong tháng Bảy, tăng 44,5% so với cùng kỳ năm trước nhưng giảm 28,0% so với tháng Sáu.
Tin tức Kim loại
- Vàng có phiên kết tuần giảm mạnh nhất kể từ ngày 17/6, và là tuần giảm mạnh nhất trong 2 tháng trở lại đây. Đồng USD tăng mạnh lên mức cao nhất hơn 1 tuần sau báo cáo việc làm ấn tượng trong tháng 7 của Mỹ đang đè nặng áp lực giảm giá của Vàng và các kim loại quý khác như Bạc, Bạch kim.
- Sản lượng đồng thô nhập khẩu của Trung Quốc cũng đang trong xu hướng giảm dài hạn kể từ mốc đỉnh cao 762.211 tấn trong tháng 7/2020.
- Tồn trữ quặng sắt tại 33 cảng biển lớn của Trung Quốc tính tới ngày 02/8 lên tới 118,64 triệu tấn, tăng 0,24% so với tuần trước, tính đến ngày 26/7.
- Giá quặng sắt tiếp tục giảm mạnh trong tuần, do tiêu thụ trên thị trường Trung Quốc chậm chạp bởi các biện pháp kiểm soát sản xuất thép. Tỷ lệ sử dụng công suất sản xuất của các lò cao sản xuất thép đã giảm trong những ngày gần đây, và các nhà phân tích dự báo nhu cầu yếu chắc chắn sẽ còn tiếp diễn thêm một thời gian nữa, sẽ tiếp tục ảnh hưởng tiêu cực đến giá quặng sắt.
- Các cơ quan và chuyên gia ngành thép Trung Quốc cho biết việc giá quặng sắt lao dốc gần đây chỉ mới bắt đầu, và có thể kéo dài đến cuối năm do do nhu cầu ở nước tiêu thụ lớn nhất thế giới này sẽ tiếp tục giảm do Chính phủ ngày càng siết chặt việc sản xuất thép vì mục tiêu môi trường và các mục tiêu khác.
- Giá quặng sắt Trung Quốc đang chi phối giá thế giới khi chiếm đến 70% giao dịch đường biển.
Nhận định thị trường hàng hóa phái sinh tuần tới 09-13/08/2021
Lịch sự kiện
Nhận định ĐẬU TƯƠNG kỳ hạn tháng 09 (ZSEU21)
- Trong tuần vừa rồi, Đậu tương kỳ hạn tháng 09 đã phá vỡ được mô hình giá tam giác được tạo thành từ đỉnh của tháng 07 và đáy của tháng 06, duy trì xu hướng giảm trong ngắn hạn.
- Cấu trúc giảm cũng tương đối rõ ràng với các đỉnh – đáy thấp dần.
- Thời tiết trong tuần tới tiếp tục được cải thiện với dự báo sẽ có mưa tại khắp các vùng trồng trọt Đậu tương của Hoa Kỳ, cũng là yếu tố ủng hộ cho xu hướng giảm của Đậu tương tiếp tục duy trì khi thời tiết thuận lợi sẽ giúp cải thiện được năng suất và chất lượng cây trồng, vốn đã bị tổn hại nhiều do nắng nóng khô hạn trước đó đe dọa thiếu hụt nguồn cung cho thị trường.
- Vùng kháng cự ngắn hạn 1356 – 1360 phía trên hợp lựu với trendline giảm nối đỉnh ngày 19/07 và 03/08 sẽ là vùng chờ Bán tiếp diễn của chúng ta trong tuần tới.
- Mục tiêu trong tuần giá sẽ kiểm định lại vùng hỗ trợ 1295 – 1315, vùng này đang hỗ trợ tốt cho Đậu tương từ cuối tháng 07 cho đến hiện tại.
Nhận định NGÔ kỳ hạn tháng 09 (ZCEU21)
- Giá Ngô kỳ hạn tháng 09 tăng nhẹ nhưng cấu trúc giá vẫn không có gì thay đổi trong tuần vừa rồi.
- Ngô vẫn đang đi ngang trong suốt hơn 1 tháng trở lại đây. Khi các yếu tố thời tiết đang dần được cải thiện ở các khu vực trồng Ngô của Hoa Kỳ, nhưng hạn hán vẫn kéo dài trên các khu vực trồng trọt chính của Brazil. Đây là 2 quốc gia sản xuất Ngô lớn trên thế giới.
- Vì cấu trúc giá đang đi ngang, nên chúng ta giao dịch mua bán hai chiều theo các kháng cự – hỗ trợ giá.
- Giá đang tại vùng kháng cự ngắn hạn 560-564 và hỗ trợ ngắn hạn phía dưới là 537-541.
- Chúng ta cũng có một range giá lớn hơn, với vùng kháng cự trung hạn 570-580 và hỗ trợ trung hạn 520-530.
- Nhà đầu tư cũng nên chú ý đến báo cáo WASDE 23h00 đêm ngày 12/08 trong tuần tới, đây có thể là yếu tố tác động chính thay đổi xu hướng của Ngô ở hiện tại.
Nhận định LÚA MÌ kỳ hạn tháng 09 (ZWAU21)
- Lúa mì liên tục tạo đỉnh mới trong gần 2 tháng trở lại đây ở những phiên đầu tuần, rồi xuất hiện các tín hiệu chốt lời mạnh hơn tại quanh vùng 740 ở giữa tuần, và giữ được xu hướng tăng ở phiên cuối tuần.
- Xu hướng tăng vẫn đang được duy trì với trendline tăng kéo dài từ ngày 12/07 và MA100 trên khung thời gian H4 đang đóng vai trò là hỗ trợ cho giá Lúa mì.
- Một nêm giá giảm nhỏ cũng vừa bị phá vỡ ở phiên thứ 6 trước khi kết phiên tuần, cho thấy xu hướng tăng vẫn còn được duy trì tốt bởi phe MUA.
- Tình trạng khô hạn kéo dài ở Nga và phía Bắc Mỹ, khu vực trồng lúa mì chính, cùng với mưa lớn nặng hạn ở châu Âu đang ảnh hưởng nặng nề đến chất lượng mùa vụ tại các nước sản xuất lớn này. Đe dọa đến nguồn cung trong khi nhu cầu nhập khẩu đang tăng cao ở các nước khác.
- Do đó, chúng ta vẫn ưu tiên MUA trong tuần tới cho đến khi vùng hỗ trợ hợp lưu 708-718 phía dưới bị phá vỡ và hình thành cấu trúc giảm mới.
- Mục tiêu trong tuần tới của Lúa mì là vùng đỉnh cũ 740 hoặc xa hơn là 750-760.
*** Mọi thông tin, nhận định trong bài viết này đều mang tính chất tham khảo, không phải khuyến nghị đầu tư.
Tin tức và nhận định thị trường hàng hóa phái sinh sẽ được cập nhật hàng ngày và tổng hợp vào mỗi cuối tuần trên website, tại đây, để mọi người cùng tham khảo.
Chúc mọi người giao dịch hiệu quả!