Chúng ta hằng ngày vẫn mua bán cổ phiếu, nhưng liệu có phải tất cả nhà đầu tư đều biết cách định giá cổ phiếu và hiểu các yếu tố nào ảnh hưởng đến giá cổ phiếu hay không?
Trong bài viết này, anhthucfx sẽ cùng các bạn đi tìm hiểu các yếu tố đó và giúp các bạn hiểu tại sao cần phải định giá cổ phiếu trước khi đầu tư.
Đọc thêm: Chứng khoán là gì? – Các kiến thức cơ bản cần biết trước khi đầu tư
Nội dung bài viết
Tại sao chúng ta phải định giá cổ phiếu?
Đối với các doanh nghiệp muốn chào bán cổ phiếu, định giá cổ phiếu là một trong những bước quan trọng để huy động vốn và tăng tầm ảnh hưởng của doanh nghiệp trên thị trường.
Đối với nhà đầu tư (NĐT), định giá cổ phiếu sẽ giúp người đầu tư có thể nhận diện được xu hướng chung của thị trường, của ngành, của cổ phiếu, để đưa ra các chiến lược giao dịch và quản trị rủi ro một cách hợp lý để đạt được hiệu quả đầu tư tốt nhất.
Một cách dễ hiểu, định giá cổ phiếu là đánh giá xem thị trường chung có đang tốt không, ngành đó có đang được hỗ trợ phát triển hay không, cổ phiếu đó đáng giá bao nhiêu tiền, giá trị nội tại là bao nhiêu.
Sau đó, ta sẽ tiến hành mua vào cổ phiếu nếu giá cổ phiếu thấp hơn so với giá trị ta định giá. Hoặc bán ra cổ phiếu (nếu như NĐT sở hữu cổ phiếu đó) nếu giá cổ phiếu hiện đã cao hơn so với định giá.
Ví dụ, bằng một phương pháp nào đó, chúng ta định giá cổ phiếu MBB đạt giá trị là 50.000 đồng.
Ở hiện tại, giá cổ phiếu MBB chỉ đang giao dịch trên thị trường là 30.000, tức là đang thấp hơn giá trị chúng ta định giá.
Lúc này, chúng ta sẽ ưu tiên Mua vào cổ phiếu MBB. Chờ đến khi giá thị trường vượt qua mức giá chúng ta định giá là 50.000 trước đó thì xem xét bán ra.
Các phương pháp định giá cổ phiếu
Như đã đề cập ở trên, mục đích của việc định giá cổ phiếu là xác định giá trị thực của cổ phiếu trong một thời điểm nhất định, nhằm xác định giá trị tiềm năng của cổ phiếu và đưa ra những quyết định đầu tư liên quan.
Trên thị trường hiện nay có rất nhiều phương pháp định giá cổ phiếu khác nhau, mỗi loại đều có ưu, nhược điểm riêng của chúng, sẽ không có phương pháp nào là hoàn hảo 100% hay tốt nhất cho tất cả.
Mỗi loại hình doanh nghiệp, mỗi chu kỳ kinh doanh, mỗi điều kiện vĩ mô, nội lực doanh nghiệp khác nhau, sẽ có những phương pháp định giá cổ phiếu khác nhau cho phù hợp.
Dưới đây, anhthucfx sẽ đưa ra 2 cách định giá cổ phiếu cơ bản và phổ biến nhất, các bạn cùng tham khảo:
- Định giá cổ phiếu theo phương pháp P/E
- Định giá cổ phiếu theo phương pháp P/B
Định giá cổ phiếu theo phương pháp P/E
Đây là phương pháp định giá cổ phiếu dựa trên chỉ số P/E của doanh nghiệp.
Đây cũng là phương pháp định giá cổ phiếu phổ biến nhất và có thể áp dụng được ở hầu hết các doanh nghiệp, các ngành nghề khác nhau.
Chỉ số P/E thể hiện mối quan hệ tỷ lệ giữa giá thị trường của cổ phiếu (Price) so với lợi nhuận sau thuế của một cổ phần (EPS). Hay nói cách khác, để có được 1 đồng thu nhập từ cổ phiếu, nhà đầu tư sẵn sàng trả bao nhiêu tiền.
Ví dụ: Nếu cổ phiếu MWG đang có chỉ số P/E là 20. Thì có nghĩa là chúng ta cần bỏ 20 đồng vốn để đổi lấy 1 đồng lợi nhuận.
Nếu ta chia ngược lại, 1/20 = 5%, tức là MWG có tiềm năng mang lại tỉ suất lợi nhuận cho chúng ta là 5% trên số vốn đầu tư.
Chỉ số P/E này càng thấp, thì lợi nhuận tiềm năng của doanh nghiệp này càng lớn. Và thời gian để bạn thu hồi vốn từ lợi nhuận của doanh nghiệp đó càng ngắn.
Vậy mức bao nhiêu là hợp lý với một cổ phiếu?
Sẽ khó để có một con số nào thực sự hợp lý vì nó còn tùy thuộc vào từng doanh nghiệp, từng ngành, từng chu kỳ kinh doanh khác nhau.
Nhưng tốt hơn hết, bạn nên so sánh với chỉ số trung bình của ngành.
Các bạn có thể tham khảo chỉ số ngành trên nhưng báo cáo của các công ty chứng khoán, hoặc ở các trang cung cấp thông tin thống kê. Thức thường tham khảo trên trang investing.com
Quay trở lại ví dụ trên, lấy thông tin chỉ số P/E của mã cổ phiếu MWG trên trang Investing.com
Chỉ số P/E hiện tại, tính tới ngày 08/09 là 20.83, chỉ số trung bình ngành theo investing là 21.49.
Tức là MWG đang xấp xỉ trung bình ngành và có phần định giá cổ phiếu MWG hấp dẫn hơn trong ngành.
Hoặc so sánh với chính nó trong quá khứ, có nghĩa là thường sau một thời gian biến động, chỉ số P/E sẽ có xu hướng tăng/giảm về mức bình quân dài hạn của chính nó.
Định giá cổ phiếu theo phương pháp P/B
Cũng tương tự, đây là phương pháp định giá cổ phiếu dựa trên chỉ số P/B của doanh nghiệp.
Chỉ số P/B được dùng để so sánh giữa giá thị trường của một cổ phiếu (Price) với giá trị sổ sách của cổ phiếu đó (Book value).
Cách áp dụng và định giá cũng tương tự như chỉ số P/E ở trên.
Nhưng hạn chế của chỉ số P/B này là chỉ phản ánh được giá trị tài sản hữu hình của công ty. Tức là chỉ thể hiện được những gì doanh nghiệp đang có nhưng bỏ qua các giá trị tài sản vô hình như thương hiệu, thị phần, mối quan hệ của doanh nghiệp, chất lượng nhân sự, quyền sở hữu trí tuệ,…
Các giá trị vô hình càng cao, càng có nhiều lợi thế cạnh tranh trong việc đàm phán với Khách hàng, đối tác, nhà cung cấp,…
Do đó, khi sử dụng phương pháp này, bạn cần kết hợp thêm một số phương pháp khác như ROE để đạt kết quả tối ưu hơn.
Phương pháp định giá theo chỉ số P/B này sẽ phù hợp với các cổ phiếu ngành ngân hàng hoặc tài chính, vì đặc thù của các doanh nghiệp này chỉ là tiền và các công cụ tài chính, dễ dàng được định giá và chuyển đổi về tiền mặt, do đó sẽ phản ánh đầy đủ, rõ ràng ở giá trị sổ sách này.
Ngoài ra còn có nhiều phương pháp định giá cổ phiếu khác được các nhà đầu tư sử dụng trên thị trường như:
- Phương pháp định giá cổ phiếu dựa vào chỉ số P/S
- Phương pháp định giá dựa trên các chỉ số ROA, ROE
- Phương pháp định giá chiết khấu theo cổ tức
- Phương pháp định giá chiết khấu theo dòng tiền
- Và một số phương pháp khác,…
Nếu có thể, chúng ta hãy cố gắng định giá cổ phiếu theo 2-3 phương pháp khác nhau để có cái nhìn tổng quát nhất và đưa ra được con số tương đối nhất về giá trị của một cổ phiếu.
Các yếu tố ảnh hưởng đến giá cổ phiếu
Các yếu tố phân tích vĩ mô
Thị trường chứng khoán còn được gọi là “phong vũ biểu” của nền kinh tế một quốc gia. Tức là nếu một nền kinh tế phát triển mạnh thì giá cổ phiếu cũng tăng mạnh, nếu một nền kinh tế yếu, chậm phát triển thì thị trường cổ phiếu cũng bị định giá thấp.
Do đó, các yếu tố vĩ mô tác động rất lớn đến thị trường chứng khoán nói chung và các doanh nghiệp trên thị trường nói riêng. Dưới đây là các yếu tố vĩ mô quan trọng và phổ biến nhất, chúng ta cần phải tìm hiểu:
Tăng trưởng GDP
GDP (Gross Domestic Product): còn được gọi là tổng sản phẩm quốc nội.
Là giá trị thị trường của tất cả hàng hóa và dịch vụ cuối cùng được sản xuất ra trong phạm vi một lãnh thổ nhất định trong một thời kỳ nhất định, thường được tính theo quý hoặc năm.
Các tổ chức và nhà đầu tư nhìn vào tăng trưởng GDP để xem nền kinh tế quốc gia đó có mạnh hay không.
Khi nền kinh tế tăng lên, các công ty tạo ra lợi nhuận cao hơn và mọi người kiếm được nhiều tiền hơn, điều này có khả năng dẫn đến thị trường chứng khoán của quốc gia đó sẽ tăng trưởng mạnh.
Lạm phát
Lạm phát cao thường bị coi là tiêu cực đối với thị trường chứng khoán vì làm tăng chi phí đi vay, tăng chi phí đầu vào (nguyên vật liệu, lao động) và giảm chất lượng cuộc sống của người dân do mọi chi phí gia tăng.
Đối với thị trường chứng khoán, lạm phát tăng sẽ khiến cho tăng trưởng thu nhập kỳ vọng giảm xuống, gây áp lực giảm giá cổ phiếu.
Tác động của lạm phát là không giống nhau giữa các lĩnh vực.
Các cổ phiếu tăng trưởng có khả năng sẽ giảm giá khi lạm phát tăng cao. Đó là vì các cổ phiếu tăng trưởng thường có kỳ vọng lợi nhuận cao hơn trong tương lai, và khi lạm phát tăng cao, những kỳ vọng tương lai đó chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng.
Còn với các cổ phiếu giá trị, lợi nhuận kỳ vọng mỗi năm thường không thay đổi quá lớn.
Tuy nhiên, lạm phát không phải lúc nào cũng xấu.
Lạm phát vừa phải là dấu hiệu cho một nền kinh tế đang tăng trưởng, và các doanh nghiệp có thể nâng giá bán hàng hóa, dịch vụ của mình.
Khi quan sát chỉ số lạm phát, Nhà đầu tư cần chú ý đến chỉ số CPI (consumer Price Index – chỉ số giá tiêu dùng) và PPI (Producer Price Index – chỉ số giá sản xuất), đây là hai chỉ số tác động mạnh đến sự thay đổi của lạm phát.
Lãi suất
Lãi suất là tỷ lệ phần trăm nhất định sinh ra từ giao dịch cho vay giữa các bên. Số tiền này được gọi là tiền lãi mà người vay tiền cần phải trả thêm cho người cho vay.
Hầu hết các doanh nghiệp đều có vay để hoạt động kinh doanh. Lãi suất tăng sẽ làm tăng chi phí vay đối với Doanh nghiệp, ăn mòn lợi nhuận tiềm năng của các doanh nghiệp đi vay, nhất là các doanh nghiệp sử dụng đòn bẩy tài chính cao.
Hơn nữa, lãi suất cao sẽ khiến nhà đầu tư gửi tiền vào ngân hàng để hưởng lãi suất hơn là thay vì bỏ tiền vào các kênh đầu tư rủi ro khác như chứng khoán, dẫn đến doanh nghiệp cũng khó huy động vốn để sản xuất kinh doanh.
Chính vì vậy, lãi suất tăng thường sẽ dẫn đến thị trường cổ phiếu ảm đảm, giá cổ phiếu sẽ có khuynh hướng giảm. Ngược lại, lãi suất giảm có tác động tốt cho Doanh nghiệp vì chi phí vay giảm và nhà đầu tư đi tìm các kênh đầu tư khác có lãi suất cao hơn, dẫn đến giá cổ phiếu thường tăng lên.
Tỷ giá hối đoái
Tỷ giá hối đoái là giá trị trao đổi giữa hai tiền tệ hay còn gọi là tỷ giá mà tại đó một đồng tiền này sẽ được trao đổi cho một đồng tiền khác.
Đây là yếu tố rất quan trọng khi chúng ta định giá cổ phiếu các doanh nghiệp xuất nhập khẩu, tỷ giá ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động kinh doanh, đến doanh thu và lợi nhuận của những doanh nghiệp này.
Trường hợp doanh nghiệp đi vay thì biến động tỷ giá sẽ ảnh hưởng đến chi phí vay của doanh nghiệp từ đó ảnh hưởng đến lợi nhuận.
Chính sách tiền tệ
Chính sách tiền tệ là quá trình quản lý cung tiền của cơ quan quản lý tiền tệ (có thể là ngân hàng trung ương), thường là hướng tới một lãi suất mong muốn để đạt được những mục đích ổn định và tăng trưởng kinh tế – như kiềm chế lạm phát, duy trì ổn định tỷ giá hối đoái, đạt được toàn dụng lao động hay tăng trưởng kinh tế.
Chính sách tiền tệ có thể chia làm:
- Chính sách tiền tệ mở rộng: chính sách này nhằm tăng lượng tiền cung ứng, khuyến khích đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh và tạo việc làm trong nền kinh tế. Trong trường hợp này, chính sách tiền tệ có mục đích chống suy thoái kinh tế và thất nghiệp.
- Chính sách tiền tệ thắt chặt: chính sách này ngược lại, nhằm giảm lượng tiền cung ứng, hạn chế đầu tư, kìm hãm sự phát triển đang tăng quá cao trong nền kinh tế. Đối với trường hợp này chính sách tiền tệ nhằm chống sự lạm phát kìm hãm sự phát triển quá nóng của nền kinh tế.
Các yếu tố phân tích vi mô – nội tại doanh nghiệp
Báo cáo tài chính của công ty
Kết quả hoạt động kinh doanh của công ty thể hiện rằng sức khỏe công ty có đang phát triển tốt hay không.
Đây là một yếu tố rất quan trọng để định giá bất kỳ cổ phiếu nào.
Nếu doanh nghiệp làm ăn tốt với doanh thu tăng trưởng đều, lợi nhuận cao, có khả năng tiếp tục tăng trong tương lai thì giá cổ phiếu của công ty sẽ tăng lên nhanh chóng.
Ngược lại, một công ty có tình hình kinh doanh đi xuống, giá cổ phiếu sẽ có xu hướng giảm vì ảnh hưởng đến tâm lý, mất lòng tin của nhà đầu tư.
Tâm lý nhà đầu tư
Một sự dự báo nào đó của chuyên gia phân tích, hoặc các thông tin nào đó xuất hiện trên báo chí liên quan đến doanh nghiệp, đến ngành sẽ tác động rất lớn đến tâm lý nhà đầu tư, từ đó tác động đến mua và bán trên thị trường và ảnh hưởng đến giá của cổ phiếu.
Cùng một loại chứng khoán, có nhà đầu tư sẽ cho rằng công ty này hoạt động trì trệ, có nguy cơ phá sản; giá cổ phiếu này không tốt cần bán đi để tránh rủi ro.
Tuy nhiên, những nhà giao dịch khác lại mua vào bởi họ tin vào tiềm năng tăng trưởng dài hạn của công ty đó.
Ngoài ra, trên thị trường chứng khoán cũng thường xuất hiện những thông tin gây nhiễu không chính xác, gây ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý của nhà đầu tư.
Điều này lý giải tại sao trên thị trường chứng khoán lúc nào cũng có người mua, người bán, từ đó tác động mạnh mẽ đến sự lên xuống của giá cổ phiếu.
Giao dịch của người nội bộ
Giao dịch của người nội bộ sẽ ảnh hưởng đến tâm lý của nhà đầu tư về triển vọng tương lai của doanh nghiệp.
Nếu nội bộ công ty mua nhiều cổ phiếu cho thấy bản thân nội tại ban lãnh đạo Doanh nghiệp cũng có kỳ vòng tích cực về triển vọng phát triển công ty trong thời gian tới, làm cho nhà đầu tư lạc quan mua nhiều cổ phiếu hơn làm giá cổ phiếu tăng và ngược lại.
Bởi vì Ban lãnh đạo là những người hiểu rõ công ty nhất, hiểu rõ nội tại doanh nghiệp nhất và là người có những quyết định lớn nhất đến doanh nghiệp.
Chính sách chi trả cổ tức
Chính sách chi trả cổ tức luôn là một yếu tố thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư khi đưa ra quyết định đầu tư, điều này ảnh hưởng không nhỏ tới giá cổ phiếu của một công ty.
Việc công bố cổ tức cũng là cách khuyến khích các nhà đầu tư mua và giữ lại cổ phiếu của mình.
Cổ tức thể hiện một công ty làm ăn tốt, có lợi nhuận.
Công ty càng ổn định về mặt tài chính thì cổ tức càng cao và nhà đầu tư càng nắm giữ nhiều cổ phiếu, họ càng được chia nhiều cổ tức.
Lời kết
Anhthucfx hi vọng rằng những thông tin trên sẽ giúp các bạn hiểu sâu hơn về cách định giá cổ phiếu, và các yếu tố ảnh hưởng liên quan đến quyết định đầu tư vào một cổ phiếu.
Nếu bạn là một người mới bắt đầu tham gia vào thị trường, thì những kiến thức trên là tương đối nhiều và khó tiếp cận với bạn. Thì Thức có một mẹo như thế này:
Bạn hãy tập trung phân tích vào một doanh nghiệp nào đó, nằm trong ngành nghề mà bạn hiểu biết rõ về nó nhất (có thể là bạn đang công tác ở lĩnh vực nào, thì phân tích các doanh nghiệp, đối thủ của công ty bạn, hoặc các công ty đầu ngành) để chúng ta dễ nắm bắt, hình dung và dễ khai thác thông tin và tiếp cận hơn hết.
Sau khi bạn đã làm quen, thành thục được các quy trình phân tích, chọn cổ phiếu ở ngành của bạn như trên rồi hãy bắt tay đi phân tích những ngành nghề khác, doanh nghiệp khác.
Chúc các bạn giao dịch thành công.